Hiện nay các dịch vụ công chứng ngoài trụ sở tăng một cách đáng kể, dịch vụ công chứng tại nhà hay dịch vụ công chứng lấy nhanh là một trong các dịch vụ ngày càng được nhiều người dân sử dụng. Tuy nhiên bên cạnh sự phát triển đó còn tồn tại những hạn chế của hoạt động công chứng và nguyên nhân chủ yếu là như sau:
- Nhận thức về chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng, về bản chất của hoạt động công chứng, về chủ trương tách bạch giữa công chứng và chứng thực của một bộ phận cơ quan, cán bộ quản lý nhà nước về công chứng, của người dân còn chưa đầy đủ. Thời gian qua đã xuất hiện tâm lý phân biệt công chứng giữa Phòng công chứng và Văn phòng công chứng. Tại một số nơi, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất từ chối đăng ký hợp đồng đã công chứng tại Văn phòng công chứng hoặc từ chối cung cấp thông tin địa chính cho Văn phòng công chứng, UBND cấp xã không phối hợp với Văn phòng công chứng trong việc niêm yết văn bản liên quan đến việc công chứng các giao dịch về thừa kế. Thậm chí còn có một số quan điểm cho rằng không cần thiết phải quy hoạch tổ chức hành nghề công chứng khi tiến hành xã hội hóa hoạt động công chứng…
- Việc xã hội hóa công chứng được thực hiện từ năm 2007 nên còn là vấn đề mới mẻ, trong khi đó, cơ sở vật chất, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước chưa được củng cố, kiện toàn, năng lực tự quản còn hạn chế, chưa theo kịp với những yêu cầu mới của công tác quản lý việc xã hội hóa hoạt động công chứng.
- Thể chế về tổ chức, hoạt động công chứng mặc dù đã từng bước hoàn thiện, song vẫn còn nhiều bất cập. Luật công chứng còn nhiều quy định chưa phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế về hành nghề công chứng. Quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên trong Luật công chứng vẫn còn chung chung hoặc chưa dự liệu được hết một số vấn đề bất cập (việc chuyển đổi Văn phòng công chứng một công chứng viên sang loại hình Văn phòng công chứng từ hai công chứng viên trở lên hoặc ngược lại; khiếu nại, tố cáo trong hoạt động công chứng; chưa có quy định hướng dẫn cụ thể về bảo hiểm trách nhiệm nghề công chứng; giá trị pháp lý của văn bản công chứng; thành lập tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên; chưa quy định các chính sách ưu đãi phù hợp để phát triển các Văn phòng công chứng tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; quy định về quản lý nhà nước còn một số điểm sơ hở, chưa làm rõ được cơ chế trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong quản lý hoạt động công chứng; chưa có cơ chế phù hợp để hoạt động công chứng phát huy được vai trò tự quản và nghiêm chỉnh thực hiện Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng. Quyền lợi của công chứng viên chưa bảo đảm khi gặp những rủi ro nghề nghiệp).
- Các quy định liên quan đến công chứng trong Bộ luật dân sự, Luật đất đai, Luật nhà ở và các văn bản hướng dẫn thi hành có điểm chưa đồng bộ với Luật công chứng (thẩm quyền chứng nhận các hợp đồng, giao dịch về đất đai, nhà ở của UBND cấp huyện, cấp xã; thời điểm có hiệu lực của văn bản công chứng; quy định về hộ gia đình, cách xác định các thành viên của hộ gia đình, công chứng giao dịch về tài sản hình thành trong tương lai).
- Đa số địa phương chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu thông tin về bất động sản, chưa có sự kết nối, chia sẻ thông tin bài bản giữa các tổ chức hành nghề công chứng và Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất dẫn đến nhiều rủi ro trong hoạt động hành nghề của công chứng viên.
Nguồn: Sưu tầm